Tìm cách “vá lỗ hổng” trong công bố giá vật liệu xây dựng

Nhiều địa phương công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD) còn chậm và chưa sát với thực tế cung cầu của thị trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng.

Giá vật liệu xây dựng “lên đồng”

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong nửa đầu năm 2023, nhiều loại vật liệu xây dựng đã tăng giá chóng mặt. Mặc dù giá thép đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng gạch, đá, cát xây dựng… vẫn đồng loạt tăng khiến người dân và cả doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Hàng loạt dự án công, tư cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Một số địa phương công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, chưa bám sát với thị trường
Một số địa phương công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, chưa bám sát với thị trường

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng thép xây dựng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 18 lần xuống dưới 14 triệu đồng/tấn.

Giá xi măng cũng đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá bán ở miền Nam tương đối cao, ở mức 1,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá xi măng tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 13,2-16 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và loại xi măng.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng giá các loại vật liệu xi măng, thép… sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ do khả năng cung cấp, sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu xây dựng, xuất khẩu. Tuy nhiên, giá các loại vật liệu khai thác đất, đá, cát dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh do tình trạng khan hiếm nguồn cung và nhiều bất cập trong cấp phép mỏ vật liệu.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung về khai thác đất đắp, đá, cát xây dựng… ở các địa phương có dự án giao thông đi qua, trên thực tế hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Về khâu thủ tục, mặc dù một số mỏ đã được cấp phép nhưng để đưa điểm mỏ đi vào khai thác, vận hành chính thức lại là cả quá trình. Bởi lẽ, để khai thác được mỏ còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như việc đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…

Do vậy, nguồn cung VLXD, nhất là đất đắp, cát, đá xây dựng trong thời gian tới sẽ khan hiếm. Đây cũng là lý do khiến giá thành VLXD dự báo sẽ tăng.

Hiện nay, theo quy định, các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình trên địa bàn. Song trên thực tế, việc công bố giá của của một số địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa sát với thị trường.

Bên cạnh đó, danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu chủ yếu. Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, chưa sát với diễn biến giá thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn. Đây chính là lỗ hổng để các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình trạng cầu vượt cung để trục lợi, đầu cơ, nâng giá VLXD.

Thực trạng chậm trễ, thiếu đồng bộ của nhiều địa phương đã dẫn đến tình trạng loạn giá VLXD. Điều này khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án.

Mới đây, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết trên địa bàn tỉnh này xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD không phối hợp cung cấp báo giá cho cơ quan Nhà nước, niêm yết giá bán, báo giá chênh lệch so với giá bán thực tế. Các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc kê khai yếu tố cấu thành giá vật liệu… từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo nguồn VLXD phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu tại tỉnh này cũng phản ánh việc phải mua vật liệu với giá cao nhưng giá ghi trên hóa đơn lại thấp, không đúng với giá thực tế, thậm chí không có hóa đơn.

Hay tại Quảng Trị, một số doanh nghiệp “kêu trời” vì giá cả VLXD công bố thấp hơn thị trường nhưng chưa được cơ quan chức năng cập nhập kịp thời. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng.

Nghiêm trọng hơn là tại nhiều địa phương, giá bán vật liệu thực tế đang bị thả nổi khiến cho nhiều nhà thầu bị ép buộc phải mua vật liệu với giá cao gấp nhiều lần so với giá niêm yết của địa phương.

Thậm chí, cuối tháng 2/2023 vừa qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên để làm việc về những nội dung liên quan đến dự án đường cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp khảo sát một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại đây.

Tại buổi làm việc, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu phản ánh giá vật liệu thực tế ngoài thị trường tại các mỏ ở tỉnh Phú Yên đang cao gấp 2, gấp 3 lần so với giá dự toán độc lập. Cụ thể, giá cát của tỉnh Phú Yên công bố 190.000 đồng/m3 đã cao, nhưng khảo sát giá từ chủ mỏ lên đến gần 300.000 đồng/m3.

Trước thực trạng giá VLXD tăng cao đột biến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng Phú Yên còn rất nhiều mỏ vật liệu thông thường, nhưng giá công bố lại cao, chênh lệch quá lớn so với địa phương lân cận.

Thống nhất việc các mỏ đất phục vụ dự án là liên quan đến thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ đất, nhưng ông Thắng đề nghị tỉnh phải cầm trịch. “Đơn giá đền bù thì Nhà nước đã có quy định rồi, nên nếu tăng cỡ 1,5 lần là kịch khung rồi, còn nâng cao 3 – 4 lần là không thể chấp nhận, là có vấn đề, nên công an tỉnh phải vào cuộc”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề nghị.

Tăng cường nguồn cung và quản lý giá vật liệu xây dựng

Để hạn chế nguy cơ trục lợi, đầu cơ, nâng giá, Bộ Xây dựng cần hướng dẫn các địa phương công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các loại vật liệu chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá nhiều thì địa phương cần tổ chức xác định, công bố giá VLXD hàng tháng, hàng tuần.

Tìm cách vá lỗ hổng trong công bố giá vật liệu xây dựng

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán vật liệu xây dựng đúng giá niêm yết

Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của các địa phương trong quá trình thu thập, công bố giá VLXD để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá VLXD, giá thi công, chỉ số giá đảm bảo đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ tổ chức theo dõi thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ đô thị để tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá VLXD, giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và các tháng cuối năm.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc công bố giá, chỉ số giá VLXD hàng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường và đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá VLXD; phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát nguồn cung đảm bảo nhu cầu VLXD cho việc triển khai các tuyến đường cao tốc để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, nguồn vốn thi công của các công trình trọng điểm.

Các bộ quản lý ngành thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng vật liệu cho thị trường trong nước.

Theo Cafe Land

Đánh giá cho post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *